Thủ đoạn buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi

Theo Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ tái bùng phát, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...
 

 

Chống đối khi bị kiểm tra bắt giữ vẫn còn xảy ra

 

Hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn còn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị... Các đối tượng vẫn lén lút, tìm đủ phương cách để vận chuyển và đối phó với các lực lượng chức năng. Thuốc lá lậu được các đối tượng tập kết sát biên giới chờ thời điểm thuận lợi dùng phương tiện vỏ lãi, xuồng máy hoặc thuê người đai vác. Để tránh né lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, thường vận chuyển qua biên giới vào ban đêm. Đồng thời, các đầu nậu còn gắn trách nhiệm bồi thường cho các đối tượng tham gia (trong đó phần lớn đối tượng này là dân nghèo, một số có tiền án, nghiện ma túy,...) nên tình trạng chống đối khi bị kiểm tra bắt giữ vẫn còn xảy ra. Sau khi qua được biên giới, thuốc lá đó lập tức được đưa lên các phương tiện (xe gắn máy, ôtô tải, ôtô khách,...) đang đậu chờ sẵn để đưa vào nội địa tiêu thụ. 

Thuốc lá lậu được ngụy trang, cất giấu rất tinh vi. Các đường dây vận chuyển được tổ chức và hoạt động rất chuyên nghiệp để kịp thời thông báo cho nhau né tránh lực lượng chức năng. Địa điểm giao hàng thường là tại những khu vực vắng người, có nhiều đường nhánh để tẩu thoát hoặc để hàng ở nơi vắng vẻ. Nếu có đưa vào các điểm tàng trữ thì các đối tượng chia nhỏ hàng và cất giấu ở nhiều nơi với khối lượng nhỏ - không đủ định lượng để bị xử lý hình sự. 

Chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng xuyên suốt các địa phương, các lực lượng chức năng luôn coi công tác đấu tranh, chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm. Các địa phương, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các mặt công tác. Theo đó, đã xác lập nhiều kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án đánh mạnh vào các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển  trái phép thuốc lá lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và đã thu được những kết quả đáng khích lệ: các lực lượng chức năng đã bắt giữ 85.529 vụ, số lượng thuốc lá bắt giữ gần 54 triệu bao; Số vụ xử lý hình sự 1.921 vụ.

Với sự nỗ lực của các địa phương, các lực lượng chức năng bước đầu đã kiềm chế, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn biên giới, nâng cao nhận thức nhân dân, tạo môi trường bình đẳng trong sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia kết quả đó chưa tương xứng với tình hình thực tế hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước.

Nhiều giải pháp đồng bộ chống buôn lậu thuốc lá

Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận định mặc dù công tác chống buôn lậu thuốc lá đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ tái bùng phát, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng…. Trước tình hình trên, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu rộng để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia công tác này. Công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung; tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá nhập lậu (vì không kiểm soát được chất lượng) đối với sức khỏe cộng đồng; phê phán và lên án những hành vi vi phạm, biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới kết hợp với công tác tuyên truyền vận động để nhân dân không tham gia và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, giúp sức cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu góp phần giữ gìn an ninh - trật tự, phát triển kinh tế địa phương.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu để có biện pháp hữu hiệu bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ của các Bộ, ngành, địa phương; đề xuất khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, nhắc nhở, phê bình các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán thuốc lá nhập lậu./.

0907036096