Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia 389 cho biết, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện tàu Phú Yên 2007 (thuộc doanh nghiệp tư nhân Đức Thắng, địa chỉ tại TP.Vũng Tàu) thả neo trái phép trong phạm vi 2 hải lý tính từ rìa ngoài cùng của công trình dầu khí biển.

Qua kiểm tra, tàu đang vận chuyển khoảng 200.000 lít dầu DO nhưng không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu DO trên tàu. Hiện dầu DO trên thị trường có giá hơn 16.300 đồng/lít, với 200.000 lít thì lô hàng trên tương đương 3,26 tỉ đồng.

Được biết lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện, dẫn giải về cảng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 để tiếp tục điều tra xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan mới đây cho biết sau khi giảm liên tục 20,4% và 40,9% về kim ngạch trong tháng 5 và tháng 6, bước sang tháng 7 vừa qua, nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh 98,9% về lượng và tăng 107,2% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó.

Trong đó, đáng chú ý là nhập khẩu từ thị trường Hong Kong tăng mạnh 452% về lượng và tăng 325,7% về kim ngạch, đạt 563 tấn, tương đương 0,26 triệu USD

Ban Chỉ đạo 389 cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xăng dầu đang diễn ra phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước, tác động trực tiếp đến an ninh năng lượng của quốc gia.

Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển; kinh doanh, pha chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; gian lận thương mại trong kinh doanh, vi phạm quy định về đo lường và các vi phạm khác.

Trước tình trạng buôn lậu, gian lận kinh doanh xăng dầu phức tạp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các bộ ngành nắm tình hình, điều tra cơ bản theo lĩnh vực ngành, địa bàn quản lý, phụ trách.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; tăng cường tuần tra kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu trái phép, kịp thời xử lý, không để buôn lậu kéo dài và xác định không có vùng cấm trong chống buôn lậu.

Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương quản lý chặt việc cấp phép xuất nhập khẩu xăng dầu, các chất dung môi, nhất là loại dung môi có khả năng sử dụng pha chế xăng dầu; kiểm tra thị trường, nhất là những địa bàn có nguy có lớn về buôn lậu xăng dầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, bộ đội biên phòng các tỉnh có đường biên giới ở Tây Nam Bộ đã phát hiện và bắt giữ hơn 290 vụ buôn lậu về xăng dầu, thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường, trị giá hàng hóa gần 22,3 tỉ đồng. Trong đó có gần 1,8 triệu lít xăng dầu.

Cũng trong nửa đầu năm nay, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ, xử lý 18 tàu với 107 người, trong đó có 20 người nước ngoài. Xử phạt 1.372.200.000 đồng; tịch thu 7.487.840 lít dầu DO, bán sung công quỹ nhà nước gần 90.948.515.000 đồng.

Tình trạng buôn lậu xăng dầu phức tạp nguyên nhân do giá xăng dầu trong nước thường thấp hơn từ 2.500 - 4.000 đồng/lít xăng dầu so với các nước trong khu vực.

Tuyết Nhung