Ngành Hải quan: sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ

Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần thiết thực vào chống thất thu ngân sách nhà nước. 

 

Trong những năm vừa qua, công nghệ thông tin hải quan đã có những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới của Hải quan Việt Nam theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. CNTT hải quan cũng  góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi thương mại, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan và hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

 

Kết quả là đến nay, CNTT đã được đẩy mạnh ứng dụng trong tất cả các khâu quản lý nhà nước về hải quan, các nghiệp vụ cốt lõi của ngành hải quan đều đã được tin học hóa và thực hiện bằng phương pháp điện tử. Trong đó, nổi bật là thực hiện thủ tục hải quan bằng phương pháp điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; thực hiện thanh toán bằng phương thức điện tử với phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; thực hiện giám sát quản lý hải quan tự động tại các cảng biển và cảng hàng không; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN…

 

Với những kết quả đạt được, CNTT Hải quan đã góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan. Trong năm 2020, lực lượng CNTT của ngành Hải quan sẽ tập trung lực lượng triển khai các nội dung chính dưới đây. 

 

Triển khai tái thiết kế tổng thể Hệ thống CNTT ngành Hải quan

 

Theo đó, Lãnh đạo Tổng cục giao Cục CNTT và Thống kê hải quan trong năm 2020 phải hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tái thiết kế tổng thể Hệ thống CNTT ngành Hải quan. Đây là một đề án lớn của ngành Hải quan được triển khai với với mục tiêu Xây dựng Hệ thống CNTT mới của ngành Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới Hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Đề án tái thiết kế tổng thể Hệ thống CNTT ngành Hải quan sẽ hướng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất và hệ thống CNTT mới bền vững, có khả năng mở rộng và phát triển dễ dàng khi yêu cầu nghiệp vụ thay đổi và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0

 

Cơ sở dữ liệu tập trung sẽ cung cấp, hỗ trợ cán bộ hải quan trong quá trình thực hiện nghiệp vụ hải quan,  giúp quá trình ra quyết định, thông quan diễn ra nhanh chóng. Đồng thời giúp phân tích, đánh giá bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, làm cơ sở để đánh giá rủi ro, kiểm tra sau thông quan cũng như hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đây cũng sẽ là nguồn cung cấp thông tin đầu về để  phân tích, dự báo tăng trưởng, phân tích xu thế là cơ sở cho Lãnh đạo nhà nước, Lãnh đạo Bộ điều hành nền kinh tế vĩ mô.

 

Hệ thống CNTT mới sẽ đáp ứng các yêu cầu về thời gian thông quan hàng hóa, đồng thời sẽ cho phép cung cấp thông tin về doanh nghiệp, các mặt hàng thường xuyên xuất nhập khẩu, lịch sử tuân thủ pháp luật hải quan…và  tự động phân tích với thông tin hàng hóa trên tờ khai hải quan để cảnh báo những bất thường cho công chức hải quan, hỗ trợ công chức hải quan và lãnh đạo trong việc ra quyết định đối với các lô hàng cụ thể.

 

Ngoài ra, Hệ thống CNTT mới được thiết kế sẵn sàng kết nối, tiếp nhận và chia sẻ thông tin với Hệ thống của các cơ quan quản lý nhà nước, Hệ thống của các nước khác mà Việt Nam có cam kết chia sẻ thông tin. Tích hợp các thông tin tiếp nhận được vào cơ sở dữ liệu để sử dụng và hỗ trợ việc ra quyết định tự động trong việc xử lý thủ tục hải quan; 

 

Xây dựng và phát triển kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan

 

Trong năm 2020, Ngành Hải quan sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Hải quan, tham gia xây dựng hệ sinh thái tài chính số; chủ động nghiên cứu và từng bước ứng dụng các thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, cụ thể như: Thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở số hóa các văn bản, giấy tờ và xây dựng nền tảng số tương tác, cho phép các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tham gia trao đổi; Xây dựng dữ liệu và phân tích dữ liệu phục vụ ra quyết định trên cơ sở áp dụng công nghệ Big Data, khoa học dữ liệu; Nghiên cứu và áp dụng công nghệ Blockchain trong trao đổi thông tin với các bộ, ngành; nghiên cứu và áp dựng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong soi chiếu hàng hóa, công nghệ phân tích thông minh trong quản lý rủi ro, xác định trọng điểm… 

 

Tích hợp Dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia 

 

Hải quan là một trong những ngành đi đầu về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 171/192 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, trong đó 162 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép tiếp nhận, xử lý hồ sơ thanh toán thuế, phí, lệ phí và trả kết quả thông quan mạng Internet. 

 

Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chỉnh phủ và Bộ Tài chính, trong năm 2019, Tổng cục Hải quan đã tích hợp 02 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm Hủy tờ khai hải quan và Khai bổ sung tờ khai hải quan. 

 

Dự kiến trong năm 2020, Tổng cục Hải quan sẽ tích cực rà soát và sẽ triển khai tích hợp 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia 

 

Ngoài ra, trong năm 2020 Tổng cục Hải quan cũng sẽ triển khai kế hoạch tích hợp cổng/trang thông tin điện tử của các các Cục Hải quan vào Hệ thống cổng thông tin điện tử tập trung của ngành Hải quan nhằm nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

 

Đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN 

 

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong thời gian qua Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ ngành đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, đã có 13 bộ, ngành với 188 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia, xử lý 2,9 triệu bộ hồ sơ của trên 36 nghìn doanh nghiệp tham gia. 

 

Về cơ chế một cửa ASEAN, đến nay Việt Nam đã thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D với 8 nước ASEAN. Trong năm 2020, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thử nghiệp trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN với Indonesia và Thái Lan, chứng nhận kiểm dịch thực vật với Indonesia 

 

Song song với đó, Tổng cục Hải quan sẽ tham mưu Bộ Tài chính, phối hợp với các bộ, ngành để đàn phán, hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á – Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn quốc. 

 

Tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu quản lý nhà nước về hải quan

 

Trong năm 2020, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tích cực tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu quản lý nghiệp vụ. Trong đó, tập trung đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, thực hiện quản lý hải quan tự động, quản lý thuế xuất nhập khẩu, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan 

 

Đối với thực hiện thanh toán điện tử, ngành Hải quan đã ký thỏa thuận phối hợp thu với 43 ngân hàng thương mại, trong đó có 30 ngân hàng tham gia thực hiện thanh toán điện tử 24/7. Đến nay số thu ngân sách bằng phương thức điện tử của cơ quan hải quan đã đạt 97,1% tổng số thu ngân sách của toàn ngành. 

 

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan Hải quan đã nâng cấp chương trình thanh toán nộp thuế điện tử 24/7 để  triển khai Chương trình doanh nghiệp nhờ thu. Trong năm 2020, chương trình Doanh nghiệp nhờ thu sẽ được cơ quan Hải quan tiếp tục triển khai mở rộng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn. 

 

Ngoài ra, Tổng cục  Hải quan sẽ tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp các phần mềm phục vụ yêu cầu quản lý nghiệp vụ hải quan cấp thiết, đặc biệt là các phần mềm đáp ứng yêu cầu quản lý nội ngành, cải cách thủ tục hành chính theo chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Tài chính và độc lập với việc tái cấu trúc hệ thống CNTT./. 

0907036096